081.919.6666

Nên bật đèn mấy tiếng cho bể thủy sinh mới trồng cây??

Với kinh nghiệm trồng và chăm bể thủy sinh trong nhiều năm. Cùng với quá trình tư vấn cho các bạn mới lần đầu setup bể thủy sinh, câu hỏi mình thường được hỏi nhiều nhất là: mới trồng cây thì để đèn bao nhiêu tiếng/ngày là đủ? Vâng thực sự từ “Đủ” ở đấy rất khó để cắt nghĩa, vì với mỗi một loại cây sẽ cần lượng ánh sáng nhất định, mỗi thời kỳ, mỗi mùa (đặc biệt mùa phân biệt rõ ràng ở miền bắc VN, kinh nghiệm này những anh em trong miền nam sẽ khó có điều kiện để trải nghiệm) chúng ta sẽ có những cách điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp. (trong bài viết này, chúng ta sẽ coi các điều kiện về đất nền, co2, lọc đều trong điều kiện tối ưu).

  1. Bố trí các loại cây thủy sinh sao cho phù hợp.

Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu cơ bản đặc tính những loại cây mà mình trồng định trong bể thủy sinh, vì hiểu được đặc tính của từng loại chúng ta mới phân bổ được cây đó trồng ở vị trí nào trong bể cho phù hợp. Những cây nào cần nhiều ánh sáng thì chúng ta bố trí ở những vị trí hứng nhiều sáng. Những cây nào cần ít sáng thì chúng ta sẽ bố trí trồng ở vị trí ít sáng trong bể.

Có rất nhiều bể dự thi bố trí cây hoàn toàn không theo quy tắc trên, nhưng đó là những bể đi thi, khi chụp ảnh xong họ có thể không tiếp tục chăm bể đó nữa. Còn đa số người chơi ở việt nam đều muốn setup một bể thủy sinh có thể chơi được nhiều tháng, thậm chí tính theo năm. Thì việc bố trí cây phụ hợp trong bể sẽ giúp cho những cây đó phát triển tốt và lâu dài trong bể. Vì nếu bố trí các loại cây không đúng chúng ta sẽ gây ra hiện tượng cây cần ít sáng thì bố trí vào chỗ nhiều sáng, gần đèn. Cây cần nhiều sáng lại bố trí ở vị trí ánh sáng yếu…

Bể được bố trí 1 đèn RGB phía sau giúp cho những cây cắt cắm và liễu lên màu tốt hơn

2. Thời gian và cường độ sáng

– Sau khi hiểu đặc tính của những loại cây mình định trồng trong bể thì việc bố trí thời gian và cường độ sáng cho bể thủy sinh lúc mới trồng cây cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của các loại cây thủy sinh trong bể sau này.

– Trước đây có rất nhiều thông tin bể mới trồng cây thì cứ để đèn 8 tiếng/ngày, full sáng… Nếu rập khuôn như vậy thì tỉ lệ những bạn lần đầu trồng cây thành công là rất thấp, hoặc may mắn thành công thì cũng sẽ trải qua một quá trình riệt rêu hại vất vả.

– Theo kinh nghiệm của mình thì cây mới trồng cần có thời gian để phát triển bộ rễ, cây lúc này chưa cần nhiều ánh sáng để quang hợp nên chúng ta để ánh sáng vừa phải thường mình sẽ để cường độ ánh sáng bằng 2/3 ánh sáng so với bình thường, thời gian chiếu sáng thường để 5 tiếng (mùa hè) và 6-7 tiếng (mùa đông). Sau 1 tuần mình sẽ tăng dần cường độ và thời gian để cây phát triển. Nếu giai đoạn đầu này các bạn sử dụng ánh sáng mạnh và kéo dài sẽ dễ gây ra hiện tượng cây bị trắng lá và thối ngọn, phát sinh nhiều loại rêu hại. Kinh nghiệm để đèn này đặc biệt cần thiết khi các bạn trồng các loại cây nền như như trân châu ngọc trai, trân châu cuba…

– Vào các mùa trong năm, Thời gian chiếu sáng cho bể thủy sinh vào mùa hè sẽ ít hơn so với mùa đông. Với thời tiết nắng nóng cây thủy sinh thường phát triển chậm, yếu. vì thế chúng ta cũng cần phải giảm cường độ và thời gian chiếu sáng hơn so với mùa đông. Nếu vẫn giữ thời gian chiếu sáng như mùa đông, cây cối trong bể không những không phát triển mà còn phát sinh nhiều rêu hại. Hiện tượng này chỉ xảy ra với anh em chơi thủy sinh ngoài miền Bắc, với thời tiết thay đổi rõ ràng giữa mùa hè và mùa đông.

3. Có cần thiết phải chia thời gian chiếu sáng thành 2 lần không??

Việc chia sáng thành 2 lần cách nhau một khoảng thời gian nhất định thực sự là không cần thiết. Công thức ngắt đèn làm 2 lần trong ngày được áp trong quá trình điều trị rêu hại trong bể từ những năm thế hệ đầu chơi thủy sinh ở VN, sau được lan truyền và áp dụng một cách dập khuôn cho hầu hết các anh em chơi thủy sinh hiện này.

Việc áp dụng việc ngắt quãng thời gian chiếu sáng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các bể Hà Lan. Nó làm cho cây trong bể không được quang hợp liên tục, cây cối không lên màu hoặc lên màu không căng được như để ánh sáng liền mạch liên tục.

Bể theo phong cách Hà Lan

Nếu khoảng thời gian ngắt quãng quá dài ví dụ sáng bật 4 tiếng, tối muộn bật 4 tiếng. Mặc dù tổng thời gian chiếu sáng vẫn là 8 tiếng/ngày nhưng vẫn dẫn đến hiện tượng nhiều cây thiếu sáng, các đốt lá mọc xa nhau, vơn cao, và đặc biệt là cây không lên màu đẹp.

Thông thường hầu hết tất cả các bể thủy sinh mình setup sẽ để ánh sáng liên tục trong ngày, chỉ điều chỉnh thời gian và cường độ sáng cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây. Việc ngắt quãng thời gian chiếu sáng Mình chỉ áp dụng trên các bể trồng rêu, ráy, dương xỉ, những loại cây phát triển chậm hoặc trên những bể đang riệt rêu hại…

Bố trí đèn về 2/3 phía sau bể giúp cho cây cắt cắm lên màu tốt hơn vàTrân châu ngọc trai không bị cháy sáng

4. Một vài quan niệm chưa đúng của đa số các bạn mới chơi.

– Bể thủy sinh mới trồng cây thì chiếu sáng cường độ mạnh và dài để cây quang hợp và phát triển nhanh. Việc này không khác gì bắt một người ốm ăn thật nhiều.

– Đèn yếu thì có thể bù bằng cách tăng thời gian chiếu sáng. Việc này giống như bạn đốt diêm cả ngày để đun nước và chờ nước sôi.

– Ánh sáng có màu đỏ là cây lên đỏ, hoàn toàn không phải vậy nhiều đèn ánh sáng màu đỏ (hồng) chỉ ám màu đỏ của ánh sáng lên cây cối chứ không làm cây lên màu.

Đèn thủy sinh bị ám màu (ảnh phải)

One thought on “Nên bật đèn mấy tiếng cho bể thủy sinh mới trồng cây??

  1. Giang says:

    Chào Bạn : Bạn có thể giúp chỉ mình cách đặt thời gian cho hồ Cắt Cắm theo phong cách Hà Lan của mình nên để thế nào cho phù hợp ko ak.hiện mình đang dùng cây đèn Chihiros vivid 2.vì là lần đầu mới tập setup nên ko có kinh nghiệm về đặt thời gian cũng như lượng Co2 thế naoc cho phù hợp.mong nhận đc phản hồi từ bạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *